Điều 15. Quy trình gửi bài báo

1. Để gửi bản thảo bài báo cho Tạp chí, tác giả liên hệ gửi bài thông qua email: tapchikhoahoc@dthu.edu.vn.

2. Các bản thảo bài báo không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 14 của Quy chế này sẽ được gửi lại cho tác giả liên hệ để chỉnh sửa, hoàn thiện. Thời gian tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo bài báo không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được email của Ban Thư ký. Thời gian nhận bài báo sẽ được tính từ khi Ban Thư ký nhận được bản thảo bài báo đáp ứng quy định tại Điều 14 của Quy chế này.

3. Tác giả sẽ nhận được thông báo đóng lệ phí (nếu có) sau khi bản thảo bài báo đáp ứng các tiêu chí tại Điều 14 của Quy chế này và sẽ được gửi cho người phản biện theo quy trình.

 

Điều 16. Quy trình nhận bài

1. Sau khi tiếp nhận bản thảo bài báo của tác giả, Ban Thư ký sẽ kiểm tra, rà soát các yêu cầu về mặt hình thức, đồng thời kiểm tra những vấn đề liên quan đến đạo đức trong nghiên cứu. Các bài báo không đáp ứng đúng quy định của Quy chế này sẽ được gửi lại cho tác giả chỉnh sửa. Những bài báo đảm bảo quy định sẽ được Ban Thư ký chuyển đến Tổng biên tập (hoặc Phó Tổng biên tập được ủy quyền phụ trách chuyên san) tiến hành phân công một thành viên Hội đồng biên tập thẩm định sơ bộ nội dung để đưa ra quyết định có đưa bài báo đi phản biện hay không. Nếu có thì thành viên Hội đồng biên tập tiến hành mời người phản biện và theo dõi toàn bộ quá trình phản biện và biên tập bản thảo bài báo.

2. Bản thảo bài báo bị từ chối nếu không đáp ứng yêu cầu về nội dung, chất lượng, Ban Thư ký sẽ thông báo đến tác giả trong vòng 07 ngày kể từ ngày Ban Thư ký nhận được bản thảo bài báo đáp ứng các tiêu chí tại Điều 14 của Quy chế này.

 

Điều 17. Chính sách phản biện bài báo

1. Tạp chí áp dụng quy trình phản biện kín hai chiều: Người phản biện không biết thông tin tác giả và ngược lại.

2. Mỗi bản thảo bài báo gửi đăng Tạp chí sẽ được thẩm định bởi một thành viên Hội đồng biên tập và được phản biện bởi ít nhất một người phản biện độc lập, không là thành viên của Hội đồng biên tập.

3. Thời gian tác giả nhận được ý kiến của các người phản biện và quyết định của Hội đồng biên tập Tạp chí về kết quả của bài báo không vượt quá 90 ngày kể từ ngày Ban Thư ký nhận được bản thảo bài báo gửi đăng đáp ứng các quy định của Tạp chí.

 

Điều 18. Quy trình phản biện bài báo

1. Đối với bản thảo bài báo được đưa vào quy trình phản biện, thành viên Hội đồng biên tập quyết định mời người phản biện đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 12 và khoản 2 Điều 17 của Quy chế này.

2. Người phản biện nhận xét bản thảo bài báo theo các tiêu chuẩn và thời gian quy định.

3. Trên cơ sở ý kiến tư vấn của người phản biện và ý kiến đánh giá cá nhân của thành viên Hội đồng biên tập, thành viên Hội đồng biên tập ra quyết định theo một trong các phương án quy định tại khoản 2 Điều này. Quyết định của thành viên Hội đồng biên tập không nhất thiết phải thống nhất với ý kiến tư vấn của người phản biện.

4. Thành viên Hội đồng biên tập phản hồi kết quả phản biện bản thảo bài báo cho tác giả liên hệ, kèm theo (các) bản nhận xét bài báo của (các) người phản biện và của chính thành viên Hội đồng biên tập (nếu có). Trường hợp quyết định của thành viên Hội đồng biên tập thuộc điểm b và điểm c của khoản 2 Điều này, thành viên Hội đồng biên tập cần ấn định một khoảng thời gian phù hợp để tác giả chỉnh sửa, bổ sung bài báo theo yêu cầu, nhưng trong mọi trường hợp không được vượt quá 90 ngày, trừ khi được sự đồng ý của Tổng biên tập.

5. Tác giả thực hiện chỉnh sửa, bổ sung bản thảo bài báo theo yêu cầu của người phản biện và thành viên Hội đồng biên tập. Tác giả được yêu cầu viết một giải trình phản hồi dành cho (các) người phản biện và thành viên Hội đồng biên tập (nếu có), trong đó chỉ rõ những nội dung của bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu, cũng như những nội dung mà tác giả muốn bảo lưu, kèm theo lý do giải thích việc bảo lưu này.

6. Trường hợp bài báo thuộc điểm b, khoản 2 Điều này, thành viên Hội đồng biên tập căn cứ vào (các) bản phản hồi của tác giả, ra quyết định chấp nhận bài báo hoặc yêu cầu tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện bài báo.

7. Trường hợp bài báo thuộc điểm c, khoản 2 Điều này, thành viên Hội đồng biên tập căn cứ vào (các) bản phản hồi của tác giả, lựa chọn một trong những phương án sau:

a) Thành viên Hội đồng đánh giá bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung và ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối bài báo, hoặc yêu cầu tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện bài báo.

b) Thành viên Hội đồng gửi bản thảo bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung và (các) bản phản hồi của tác giả cho người phản biện ban đầu để thẩm định lại bài báo. Quy trình phản biện bài báo bắt đầu lại từ đầu.

c) Thành viên Hội đồng gửi bản thảo bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung cho một người phản biện khác để thẩm định lại bài báo. Quy trình phản biện bài báo bắt đầu lại từ đầu.

8. Tất cả các bài báo hoàn tất quy trình phản biện và được chấp nhận đăng sẽ được chuyển qua quy trình biên tập trước khi xuất bản. Ban Thư ký chịu trách nhiệm tổ chức biên tập và xuất bản Tạp chí.

 

Điều 19. Quy định về việc ghi, bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả bài báo

1. Nhóm tác giả thống nhất với nhau về thứ tự ghi họ tên các tác giả trong bài báo. Trong đó, có tác giả liên hệ, chịu trách nhiệm trong việc liên hệ với Tạp chí trong quá trình nộp bản thảo bài báo, phản biện và xuất bản bài báo. Tác giả liên hệ cũng chịu trách nhiệm trong việc phản hồi thông tin cho độc giả và Tạp chí sau khi xuất bản bài báo. Trong trường hợp cần ghi nhận phần đóng góp của từng tác giả vào bài báo, có thể trình bày thêm phần đóng góp của các tác giả trong bài báo.

2. Việc bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả bài báo phải được thực hiện trước khi bản thảo bài báo được chấp nhận đăng bởi Ban biên tập. Chỉ trong trường hợp đặc biệt và có lý do rõ ràng, hợp lý thì Ban biên tập mới xem xét việc bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả bài báo sau khi bản thảo bài báo đã được chấp nhận đăng.

3. Sau khi bài báo đã được công bố trên Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí, hoặc đã được xuất bản trong phiên bản Tạp chí in, thì sẽ không có bất cứ yêu cầu bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả nào được chấp nhận.

4. Để yêu cầu bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả, tác giả liên hệ của bài báo phải gửi giấy đề nghị bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả cho Ban Biên tập, trong đó chỉ rõ:

a) Các lý do cho việc bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả.

b) Văn bản xác nhận (email, thư có ký tên) từ tất cả các đồng tác giả xác nhận rằng họ đồng ý với việc bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả.

c) Trong trường hợp bổ sung hoặc xóa tên tác giả, tác giả liên hệ cần cung cấp thêm văn bản xác nhận (email, thư có ký tên) từ (các) tác giả được bổ sung hoặc bị xóa tên xác nhận rằng họ đồng ý với việc được bổ sung hoặc bị xóa tên đó.

5. Theo đề nghị của Trưởng ban Thư ký, Tổng biên tập quyết định đồng ý hoặc không đồng ý với yêu cầu bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả. Quyết định của Tổng biên tập là quyết định cuối cùng, các yêu cầu khác của (các) tác giả liên quan đến quyết định này sẽ không được xem xét.

 

Điều 20. Quy định về việc hủy bài báo đang trong quá trình xuất bản

1. Việc hủy bài báo được Tổng biên tập áp dụng cho các bài báo đang trong quá trình xuất bản nhưng bị phát hiện vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Có sai lỗi nghiêm trọng làm thay đổi kết luận của bài báo.

b) Nộp trùng với một bài báo khác đã được xuất bản.

c) Tác giả có những vi phạm đạo đức nghiên cứu và công bố công trình khoa học như gửi bài báo cho nhiều tạp chí cùng lúc, giả mạo trong tuyên bố về quyền tác giả, đạo văn, ngụy tạo dữ liệu và những trường hợp tương tự.

2. Trường hợp việc hủy bài báo được áp dụng đối với một bài báo đang trong quá trình xuất bản và đã được công bố trên Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí thì toàn bộ nội dung của bài báo đó ở định dạng HTML hoặc/và PDF sẽ bị rút khỏi Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí và được thay thế bằng một trang HTML hoặc/và PDF với ghi chú “Bài báo bị hủy: [Tiêu đề bài báo]”.

 

Điều 21. Quy định về việc rút lại bài báo đã xuất bản

1. Việc rút lại bài báo đã xuất bản được áp dụng để khắc phục các lỗi trong quá trình gửi bài và xuất bản do tác giả và/hoặc đồng tác giả có những vi phạm đạo đức nghiên cứu và công bố công trình khoa học như gửi bài báo cho nhiều tạp chí cùng lúc, giả mạo trong tuyên bố về quyền tác giả, đạo văn, ngụy tạo dữ liệu và những trường hợp tương tự.

2. Việc rút lại bài báo đã xuất bản được thực hiện theo yêu cầu của Tác giả và/hoặc đồng tác giả bài báo; hoặc Tổng biên tập theo đề nghị của các thành viên trong cộng đồng khoa học. Chính sách rút lại bài báo được áp dụng đối với một bài báo đã xuất bản, các biện pháp sau đây sẽ được triển khai:

a) Đối với phiên bản Tạp chí in: Một ghi chú có tiêu đề “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo]” sẽ được xuất bản trong số tiếp theo của Tạp chí, và được liệt kê trong phần mục lục của số xuất bản đó.

b) Đối với phiên bản Tạp chí trực tuyến: Một màn hình với ghi chú “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo]” cùng với một đường dẫn đến bản gốc của bài báo (định dạng PDF) sẽ được hiển thị trên Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí. Nội dung của bài báo gốc (phiên bản PDF) sẽ không bị thay đổi nhưng có một chú thích chìm (watermark) được ghi trên mỗi trang với nội dung “Bài báo đã bị rút lại”. Phiên bản định dạng HTML của bài báo gốc (nếu có) sẽ bị rút khỏi Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí.

 

Điều 22. Quy định về việc loại bỏ bài báo đã xuất bản vì lý do pháp lý

1. Việc loại bỏ bài báo đã xuất bản được Tổng biên tập áp dụng trong những trường hợp đặc biệt sau:

a) Bài báo đó vi phạm một cách rõ ràng các quy định pháp luật.

b) Bài báo cần được loại bỏ theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thực thi pháp luật khác.

2. Trường hợp việc loại bỏ bài báo đã xuất bản được áp dụng, thì các thông tin về bài báo gồm tiêu đề, tên tác giả và đơn vị công tác vẫn được giữ lại trên Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí, nhưng toàn bộ nội dung của của bài báo sẽ được thay thế bởi một màn hình có ghi chú “Bài báo này đã bị loại bỏ vì lý do pháp lý”. Tổng biên tập quyết định nội dung của phần thuyết minh chi tiết cho lý do loại bỏ bài báo.

 

Điều 23. Quy định về việc thay thế bài báo đã xuất bản

1. Việc thay thế bài báo đã xuất bản được Tổng biên tập áp dụng khi bài báo đó có nguy cơ dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe con người nếu độc giả thực hiện theo nội dung của bài báo.

2. Việc thay thế bài báo đã xuất bản được thực hiện theo yêu cầu của các tác giả của bài báo gốc và được sự đồng ý của Tổng biên tập. Các tác giả bài báo gốc phải có yêu cầu bằng văn bản nêu rõ nguyện vọng rút lại bài báo gốc bị sai sót, và thay thế nó bằng một phiên bản mới đã được chỉnh sửa, bổ sung.

3. Bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung phải trải qua quy trình phản biện được quy định tại Điều 18 của Quy chế này.

4. Trường hợp việc thay thế bài báo được áp dụng đối với một bài báo đã xuất bản, các biện pháp sau đây sẽ được triển khai:

a) Đối với phiên bản Tạp chí in: Một ghi chú có tiêu đề “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo gốc] và được thay thế bởi bài báo sau đây: [Tiêu đề bài báo thay thế]”, cùng với toàn văn nội dung bài báo mới thay thế sẽ được xuất bản trong số gần nhất so với thời điểm chính sách thay thế bài báo được áp dụng và được liệt kê trong phần mục lục của số xuất bản đó.

b) Đối với phiên bản Tạp chí trực tuyến: Một màn hình với ghi chú “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo gốc] và được thay thế bởi bài báo sau đây: [Tiêu đề bài báo thay thế]”, cùng với một đường dẫn đến phiên bản chỉnh sửa, bổ sung của bài báo (định dạng PDF) sẽ được hiển thị trên Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí. Trang đầu tiên của bài báo thay thế sẽ ghi rõ lịch sử của bài báo, gồm thông tin về ngày nhận bài, ngày chấp nhận đăng của bài báo gốc và của bài báo thay thế, cùng thuyết minh lý do tại sao bài báo bị thay thế.

c) Phiên bản PDF và phiên bản định dạng HTML (nếu có) của bài báo gốc sẽ bị rút khỏi Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến của Tạp chí.

 

Điều 24. Quy định về việc đính chính bài báo đã xuất bản

Tạp chí cho phép đính chính những sai sót nhỏ, không ảnh hưởng đến các diễn giải và kết luận của bài báo đã xuất bản trên Tạp chí thông qua việc phát hành một bản đính chính. Theo đề nghị của Ban Thư ký, Tổng biên tập quyết định cho phép hoặc không cho phép xuất bản bản đính chính kèm theo bài báo gốc ban đầu.