1. Quy định trách nhiệm của người phản biện

- Người phản biện bài báo cho Tạp chí phải có cùng chuyên môn hoặc gần với chuyên môn mà nội dung bài báo đề cập, có khả năng đánh giá chất lượng bài báo trong thời gian quy định.

- Người phản biện có trách nhiệm đánh giá nội dung khoa học của bài báo một cách khách quan, trung thực; hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu của Tạp chí.

- Thời gian phản biện không quá 30 ngày kể từ thời điểm người phản biện nhận được nội dung bản thảo của bài báo.

- Người phản biện được trả thù lao theo Quy chế tài chính nội bộ của Trường Đại học Đồng Tháp.

- Phản biện gửi trả bản nhận xét trễ quá 2 lần/1 bài; đánh giá bản thảo bài báo thiếu khách quan, có sai sót thì Ban Biên tập sẽ không tiếp tục mời phản biện.

- Người phản biện thực hiện quá trình phản biện theo hướng dẫn chi tiết tại đây.

 

2. Quy trình phản biện bài báo

- Đối với bản thảo bài báo được đưa vào quy trình bình duyệt, thành viên Hội đồng Biên tập quyết định mời người phản biện đáp ứng yêu cầu quy định.

- Người phản biện bình duyệt bản thảo bài báo theo các tiêu chuẩn và thời gian quy định. Cho ý kiến tư vấn về chất lượng bài báo theo các phương án, bao gồm:

+ Phương án 1: Bài viết được chấp nhận đăng và không cần chỉnh sửa, bổ sung.

+ Phương án 2: Bài viết được chấp nhận đăng với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của người phản biện.

+ Phương án 3: Bài viết cần được chỉnh sửa, bổ sung và nộp lại cho Tạp chí để gửi đi phản biện lần hai.

+ Phương án 4: Bài viết không được chấp nhận đăng.

- Trên cơ sở ý kiến tư vấn của người phản biện và ý kiến đánh giá cá nhân của thành viên Hội đồng Biên tập, thành viên Hội đồng Biên tập ra quyết định theo một trong các phương án trên. Quyết định của thành viên Hội đồng Biên tập không nhất thiết phải thống nhất với ý kiến tư vấn của người phản biện.

- Thành viên Hội đồng Biên tập phản hồi kết quả bình duyệt bản thảo bài báo cho tác giả liên hệ, kèm theo (các) bản nhận xét bài báo của (các) người phản biện và của chính thành viên Hội đồng Biên tập (nếu có). Trường hợp quyết định của thành viên Hội đồng Biên tập thuộc phương án 2 hoặc phương án 3, thành viên Hội đồng Biên tập cần ấn định một khoảng thời gian phù hợp để tác giả chỉnh sửa, bổ sung bài báo theo yêu cầu, nhưng trong mọi trường hợp không được vượt quá 90 ngày, trừ khi được sự đồng ý của Tổng Biên tập.

- Tác giả thực hiện chỉnh sửa, bổ sung bản thảo bài báo theo yêu cầu của người phản biện và thành viên Hội đồng Biên tập. Tác giả được yêu cầu viết một giải trình phản hồi dành cho (các) người phản biện và thành viên Hội đồng Biên tập (nếu có), trong đó chỉ rõ những nội dung của bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu, cũng như những nội dung mà tác giả muốn bảo lưu, kèm theo lý do giải thích việc bảo lưu này.

- Trường hợp bài báo phương án 2, thành viên Hội đồng Biên tập căn cứ vào (các) bản phản hồi của tác giả, ra quyết định chấp nhận bài báo hoặc yêu cầu tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện bài báo.

- Trường hợp bài báo thuộc phương án 3, thành viên Hội đồng Biên tập căn cứ vào (các) bản phản hồi của tác giả, lựa chọn một trong những phương án sau:

+ Thành viên Hội đồng đánh giá bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung và ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối bài báo, hoặc yêu cầu tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện bài báo.

+ Thành viên Hội đồng gửi bản thảo bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung và (các) bản phản hồi của tác giả cho người phản biện ban đầu để thẩm định lại bài báo. Quy trình phản biện bài báo bắt đầu lại từ đầu.

+ Thành viên Hội đồng gửi bản thảo bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung cho một người phản biện khác để thẩm định lại bài báo. Quy trình phản biện bài báo bắt đầu lại từ đầu.

- Tất cả các bài báo hoàn tất quy trình phản biện và được chấp nhận đăng sẽ được chuyển qua quy trình biên tập trước khi xuất bản. Ban Thư ký chịu trách nhiệm tổ chức biên tập và xuất bản Tạp chí.